Đoạn clip dài 60 giây, với các phân cảnh khác nhau, bao gồm một đôi nam nữ đang có nhiều cử chỉ lãng mạn, hai người đàn ông cùng đi xe đạp và hai cô gái đang nằm nghe nhạc, trò chuyện cùng nhau.
Lời kết của đoạn quảng cáo ghi câu hỏi: “Vì tình yêu, bạn sẽ đi xa đến đâu?”. Quảng cáo được phát hành chỉ vài tuần trước lễ hội Qixi, vốn được biết đến là Ngày lễ tình nhân của Trung Quốc.
Quảng cáo nhẫn cưới gây khó hiểu khi cảnh quay miêu tả các đôi đồng tính nhưng chú thích lại ghi "đôi bạn", "cha và con". |
Ban đầu, người xem đều mặc định hai cặp còn lại trong clip là những người thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, tranh cãi nổ ra khi hình ảnh cắt từ clip được thương hiệu sử dụng để quảng bá sản phẩm tại các cửa hàng.
Dưới hình ảnh của hai người phụ nữ, dòng chữ viết: “Sự thấu hiểu lẫn nhau còn hơn cả nghìn lời nói. Chiếc nhẫn là minh chứng cho tình bạn vĩnh cửu của chúng ta”.
Còn bức ảnh về hai người đàn ông được chú thích là cha và con. Khi dân mạng chỉ ra điểm khác thường là hai người này đều trạc tuổi nhau, dòng chú thích được đổi thành “Cha và con như hai người anh em”.
Cộng đồng mạng Trung Quốc bày tỏ sự khó hiểu khi thương hiệu này lấy mối quan hệ tình bạn hay huyết thống để quảng bá sản phẩm nhẫn cưới của mình.
“Hai người đàn ông trông cách nhau nhiều nhất chỉ 3 tuổi. Ngoài ra, tôi chưa bao giờ nghe nói đến việc cha con cùng đeo nhẫn đôi để bày tỏ tình cảm. Thật kỳ lạ khi cố gắng che giấu một điều hiển nhiên rằng những người trong bức hình là một cặp đang yêu”, một người dùng bình luận.
Ý kiến của những người cảm thông bày tỏ thương hiệu đã tìm cách tiếp cận ngầm đến khách hàng là cộng đồng LGBT để qua được quy định kiểm duyệt. |
“Chiến dịch quảng cáo này sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu nó xuất hiện ở những nơi ủng hộ cộng đồng LGBT. Còn hiện tại, nó khiến tôi cảm thấy việc là người đồng tính đồng nghĩa với một chuyện xấu hổ, cần giấu giếm”, người dùng khác bày tỏ.
Sau khi vấp phải nhiều phản đối, đại diện nhãn hàng cho hay các câu chuyện miêu tả trong quảng cáo được “lấy cảm hứng từ tình yêu”.
Tại Trung Quốc, đồng tính luyến ái không bị coi là bất hợp pháp, song bị liệt vào danh sách những chứng bệnh rối loạn thần kinh cho đến tận năm 2001. Vấn đề đồng giới vẫn là chủ đề nhạy cảm và đồng thời, sự phân biệt đối xử, kỳ thị lên cộng đồng này xảy ra thường xuyên.
Năm 2017, các hình ảnh quảng cáo thương mại trên mạng và truyền hình bị các nhà kiểm duyệt nội dung đánh giá là “hành vi tình dục bất thường”, bao gồm cả mối quan hệ đồng giới, sẽ bị cấm sóng, theo quy định của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Trung Quốc.
Yanzi Peng, giám đốc một công ty truyền thông, cho hay các các doanh nghiệp nên “can đảm hơn” khi tiếp cận đối tượng là người đồng tính. Peng cũng cho hay quảng cáo nhẫn cưới của Cartier có thể đã tìm cách kín đáo để hướng thông điệp đến cộng đồng LGBT, song vẫn phải đảm bảo vượt qua vòng kiểm duyệt gắt gao tại Trung Quốc.